CTCP VIỆN NGHIÊN CỨU DỆT MAY
VIETNAM TEXTILE RESEARCH INSTITUTE JSC

Trang chủ » CÔNG TY CỔ PHẦN – VIỆN NGHIÊN CỨU DỆT MAY KHẲNG ĐỊNH VỊ THẾ BẰNG NĂNG LỰC CUNG CẤP DỊCH VỤ KỸ THUẬT VÀ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC

CÔNG TY CỔ PHẦN – VIỆN NGHIÊN CỨU DỆT MAY KHẲNG ĐỊNH VỊ THẾ BẰNG NĂNG LỰC CUNG CẤP DỊCH VỤ KỸ THUẬT VÀ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC

CÔNG TY CỔ PHẦN – VIỆN NGHIÊN CỨU DỆT MAY

KHẲNG ĐỊNH VỊ THẾ BẰNG NĂNG LỰC CUNG CẤP DỊCH VỤ KỸ THUẬT VÀ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC

       Công ty Cổ phần – Viện Nghiên cứu Dệt May (VTRI), tiền thân là Viện Công nghiệp Dệt sợi, được Chính phủ thành lập từ năm 1969 trong vai trò là cơ quan nghiên cứu phát triển của ngành Dệt May Việt Nam. VTRI là một trong số các tổ chức sự nghiệp khoa học công nghệ đi đầu trong việc thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước: chuyển đổi hoạt động từ đơn vị sự nghiệp khoa học công nghệ sang mô hình doanh nghiệp Khoa học công nghệ, theo mô hình công ty cổ phần.

       Hiện tại, VTRI là một doanh nghiệp khoa học công nghệ trực thuộc Bộ Công Thương, có trụ sở chính tại Hà Nội và Chi nhánh tại thành phố Hồ Chí Minh. VTRI là cơ quan nghiên cứu chiến lược và chính sách ngành Dệt may; nghiên cứu nguyên liệu, thiết bị, công nghệ, phát triển các mặt hàng dệt may; thực hiện chuyển giao công nghệ, dịch vụ kỹ thuật. VTRI cũng là cơ quan cung cấp các dịch vụ kỹ thuật thử nghiệm, giám định và chứng nhận chất lượng nguyên liệu, sản phẩm dệt may; dịch vụ hiệu chuẩn máy móc thiết bị thử nghiệm. VTRI tham gia các hoạt động đào tạo cán bộ kỹ thuật, phổ biến thông tin, cung cấp các dịch vụ tư vấn theo yêu cầu của khách hàng.

       Qua 6 năm xây dựng và phát triển theo mô hình Công ty Cổ phần, với nhiều khó khăn khách quan và chủ quan, tập thể lãnh đạo, cán bộ công nhân viên của VTRI luôn phát huy truyền thống đoàn kết, kiên trì, tập trung trí tuệ và sáng tạo, khắc phục mọi khó khăn để đưa VTRI phát triển bền vững, đạt được những thành tích đáng ghi nhận, đóng góp vào sự phát triển bền vững của ngành Dệt May Việt Nam. Hoạt động nghiên cứu khoa học và cung cấp dịch vụ kỹ thuật của VTRI luôn bám sát chiến lược phát triển ngành Dệt May, góp phần giải quyết một số vấn đề khoa học công nghệ, kỹ thuật, quản lý góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của ngành. Nhiều kết quả nghiên cứu khoa học đã được áp dụng trong thực tế sản xuất, mang lại lợi ích kinh tế, xã hội rõ rệt.

Trong quá trình hoạt động theo mô hình mới, Ban lãnh đạo VTRI đã nghiên cứu đánh giá bối cảnh thực tế và xu hướng phát triển của ngành Dệt may thế giới và Việt Nam; Đánh giá các điểm mạnh, điểm yếu, thời cơ và thách thức của VTRI; Xây dựng chiến lược phát triển khả thi và tham vọng cho VTRI tới năm 2030 trở thành tổ chức hàng đầu trong nghiên cứu khoa học, tư vấn và cung cấp dịch vụ kỹ thuật Dệt may; Là trung tâm thử nghiệm và chứng nhận sản phẩm dệt may và sản phẩm tiêu dùng được quốc tế thừa nhận.

Các mục tiêu cụ thể đã được xác định:

  1. VTRI trở thành trung tâm thử nghiệm và chứng nhận sản phẩm dệt may hàng đầu ở Việt Nam, đạt được sự thừa nhận quốc tế;
  2. VTRI là trung tâm về nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ; là trung tâm tư vấn, chuyển giao công nghệ, cung cấp các dịch vụ kỹ thuật, đào tạo, cung cấp thông tin ngành dệt may;
  3. VTRI là đơn vị doanh nghiệp KHCN, ổn định về tài chính, việc làm, đảm bảo hài hòa lợi ích của các cổ đông và người lao động.

Đổi mới, khai thác lợi thế khác biệt để phát triển:

Một trong những xu hướng quan trọng của ngành Dệt may trong thời gian tới là chuyển đổi các hoạt động theo hướng bền vững và tuần hoàn. Các yêu cầu ngày càng cao của các quốc gia và các nhà bán lẻ về kiểm soát các yêu cầu về chất lượng, sinh thái và an toàn của nguyên liệu, sản phẩm dệt may, kiểm soát các hoạt động sản xuất, thải bỏ theo hướng bền vững trong chuỗi cung ứng Dệt may. Các doanh nghiệp Dệt may Việt Nam cần nâng cao năng lực kiểm soát chất lượng, năng lực thực hiện các hệ thống quản lý sản xuất và kinh doanh bền vững: quản lý các nguồn tài nguyên như nguyên liệu, nước, năng lượng, hóa chất và phát thải, cũng như quản lý các sản phẩm được quốc tế thừa nhận để chủ động cho hàng dệt may xuất khẩu, tiêu dùng nội địa cũng như bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng,

Các dịch vụ quản lý chất lượng sản phẩm, quản lý các hoạt động theo hướng bền vững là lĩnh vực dịch vụ kỹ thuật cao, có nhiều tiềm năng trong những năm tới. Đón đầu xu hướng trên, VTRI đã xác định hoạt động cung cấp dịch vụ kỹ thuật là một trong những hoạt động trọng tâm của VTRI trong thời gian tới. Trong sáu năm qua, với sự quyết tâm của Ban lãnh đạo và cán bộ VTRI trong đào tạo phát triển nguồn nhân lực, đầu tư các máy móc, trang thiết bị thử nghiệm hiện đại, nâng cấp hệ thống quản lý phòng thí nghiệm và nghiên cứu phát triển các phương pháp thử nghiệm để mở rộng phạm vi cung cấp dịch vụ thử nghiệm, giám định, chứng nhận nguyên liệu, sản phẩm dệt may và các sản phẩm tiêu dùng khác (giấy, da giầy, hóa chất…)  theo yêu cầu của các nhà bán lẻ, của các doanh nghiệp trong nước và quốc tế; Tăng cường công tác marketing và dịch vụ khách hàng, các Trung tâm Thí nghiệm và Giám định, Chứng nhận chất lượng sản phẩm Dệt may của VTRI là địa chỉ tin cậy của các khách hàng trong nước và quốc tế. Số lượng khách hàng, số lượng các chỉ tiêu thử nghiệm và doanh số thử nghiệm và giám định chứng nhận sản phẩm có những bước nhảy vọt.

Các hoạt động nghiên cứu khoa học phục vụ cho hoạt động cung cấp dịch vụ kỹ thuật khá đa dạng từ việc: Nghiên cứu các xu thế phát triển, các yêu cầu pháp lý, các yêu cầu quản lý chất lượng, quản lý chuỗi cung ứng của các thương hiệu và các nhà bán lẻ lớn trên thế giới; Xây dựng các phương pháp thử mới, mở rộng phạm vi thử nghiệm, giám định và chứng nhận; Duy trì hoạt động của các hệ thống quản lý chất lượng theo các chuẩn mực quốc tế đến việc nghiên cứu thiết kế, chế tạo các thiết bị thử nghiệm phục vụ cho các hoạt động kiểm soát chất lượng của VTRI và các doanh nghiệp trong ngành.

Những kết quả đáng ghi nhận trong nghiên cứu khoa học phục vụ các hoạt động cung cấp dịch vụ kỹ thuật có thể kể đến:

Dịch vụ thí nghiệm:

Về việc duy trì hệ thống quản lý: Trung tâm thí nghiệm Dệt May tại Hà Nội và Chi nhánh là tổ chức độc lập bên thứ 3, hoạt động theo hệ thống quản lý chất lượng ISO/IEC 17025:2017, là thành viên Hiệp hội hóa học và Chất màu Mỹ (AATCC) và hội viên Hội các Phòng thử nghiệm Việt Nam (VINALAB). Trong giai đoạn vừa qua, Trung tâm  thí nghiệm Dệt May tại Hà Nội  (VILAS 089) thực hiện đánh giá lại hệ thống quản lý chất lượng ISO/IEC 17025 và được Văn phòng công nhận chất lượng (BoA) – Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận 164 phương pháp thử, trong đó 96 phép thử lĩnh vực cơ; 61 phép thử lĩnh vực hóa; 7 phép thử lĩnh vực sinh;  và được Bộ Công Thương cấp chứng nhận nghị định 107/2016/NĐ-CP cho lĩnh vực hóa chất, lĩnh vực cơ, hóa, sinh trên sản phẩm dệt may, sản phẩm tiêu dùng.

       Trung tâm thí nghiệm Dệt May tại Chi nhánh Hồ Chí Minh (VILAS 169) duy trì hiệu lực công nhận theo chuẩn mực ISO/IEC 17025:2017 các lĩnh vực cơ, đo lường – hiệu chuẩn, hóa với 121 phép thử được công nhận, trong đó 110 phép thử lĩnh vực cơ, 03 phép thử lĩnh vực hóa và 08 phép thử lĩnh vực đo lường – hiệu chuẩn; được Bộ Công Thương cấp chứng nhận nghị định 107/2016/NĐ-CP cho lĩnh vực thử nghiệm cơ, hóa; Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận nghị định 105/2016/NĐ-CP cho lĩnh vực kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường.

Về việc phát triển mở rộng năng lực: Trung tâm Thí nghiệm Dệt may Hà Nội và Chi nhánh phát triển các gói thử nghiệm mới cho khách hàng chuỗi Decathlon- Pháp;  Fennica  Spa – Camicissima, Champion Europe Services S.r.l – Ý; Appareltech – Hàn Quốc, Hanes Supply Chain – Indonesia; Hanesbrands Inc Vietnam; Proenza Schuler; Albetta International (Vietnam) Ltd;  Hàng năm tham gia các chương trình thử nghiệm so sánh liên phòng Quốc tế với Decathlon (Pháp); ICA  Bremen Cotton (Đức); FITI (Hàn Quốc); Uniqlo (Nhật) và các tổ chức trong và ngoài nước khác (TUV, Quatest, SGS (Shanghai); Intertek Thailand);

Trong giai đoạn 2018-2023, từ nguồn vốn tự có, VTRI đã đầu tư các hệ thống thiết bị thử nghiệm tiên tiến, hiện đại: độ truyền bức xạ cực tím qua vải, máy thử nghiệm độ bền kéo vạn năng, hệ thống máy giặt/ máy sấy, thiết bị thử mài mòn, thiết bị đo độ dầy, độ nén và phục hồi của nguyên liệu và sản phẩm dệt may, cân phân tích, thiết bị hiệu chuẩn nhiệt ẩm độ – môi trường nhiệt độ cao; thiết bị thử độ kháng thấm nước áp lực thủy tĩnh; máy đo màu quang phổ; thiết bị thử độ bền màu giặt, tủ vi khí hậu, thiết bị giặt lão hóa gia tốc … nhằm hoàn thiện và mở rộng các gói dịch vụ, đáp ứng các tiêu chuẩn Quốc tế (ISO) và khu vực (ASTM, AATCC, EN, BS,  DIN, JIS, KS… ) cũng như yêu cầu của các nhãn hàng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, khách hàng hiệu chuẩn.

Về quản lý nhà nước: Trung tâm thí nghiệm liên tục duy trì và phát triển thực hiện thử nghiệm các sản phẩm khăn giấy và giấy vệ sinh phù hợp với QCVN 09: 2015/BCT; QCVN 01:2017/BCT đối với sản phẩm dệt may; Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về Chất lượng natri hydroxit (NaOH) công nghiệp theo Thông tư số: 46/2020/TT-BCT; Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về Chất lượng Poly Aluminium Chloride (PAC) theo Thông tư số: 49/2020/TT-BCT; Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về Chất lượng amôniắc công nghiệp theo Thông tư số: 50/2020/TT-BCT; Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về Hàm lượng thủy ngân trong đèn huỳnh quang theo Thông tư số: 45/2020/TT-BCT; Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về giới hạn chì trong sơn theo Thông tư số: 51/2020/TT-BCT.

Hình 1: Chụp ảnh cấu trúc xơ sợi dệt trên hệ thống kính hiển vi điện tử quét ( SEM)Hình 2: Chuẩn bị mẫu kiểm tra tính kháng khuẩn của sản phẩm dệt may

Xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật: Công ty đã tham gia xây dựng 54 dự thảo tiêu chuẩn thử nghiệm vật liệu dệt may; phát triển, ứng dụng và được công nhận mới 32 chỉ tiêu an toàn, sinh thái dệt may theo ISO/EC 17025:2017.

Dịch vụ Giám định và Chứng nhận sản phẩm:

       Trung tâm Giám định – Chứng nhận sản phẩm là một tổ chức Giám định, chứng nhận độc lập thuộc VTRI được công nhận hoạt động phù hợp tiêu chuẩn ISO/IEC 17020:2012, mã số công nhận VIAS 041 cho hoạt động giám định và VICAS 061-PRO cho hoạt dộng chứng nhận sản phẩm theo tiêu chuẩn ISO/IEC 17065:2013.

Dịch vụ giám định: Giám định bông xơ; Giám định số lượng, chất lượng, tổn thất hàng tiêu dùng, bao gồm hàng dệt may, da giầy, giấy; Giám định tên gọi, định danh sản phẩm hàng hóa theo Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu (mã HS); Giám định tình trạng thiết bị (xuất xứ, chủng loại, tên gọi, tính đồng bộ, phạm vi sử dụng, chất lượng/giá trị còn lại của thiết bị trong sản xuất và thử nghiệm xơ, sợi, vải, may).

Dịch vụ chứng nhận: Chứng nhận sự phù hợp của sản phẩm hàng hóa với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và tiêu chuẩn quốc tế, bao gồm các lĩnh vực: xơ bông, dệt may, khăn giấy và giấy vệ sinh, da giầy, tã bỉm, băng vệ sinh, hóa chất. Cung cấp các dịch vụ tư vấn, đào tạo liên quan đến quản lý an toàn, chất lượng, chứng nhận, giám định….

Về quản lý nhà nước: Trung tâm Giám định và Chứng nhận sản phẩm là đơn vị có đủ năng lực, đã được Bộ Công Thương chỉ định và thực hiện chứng nhận các sản phẩm khăn giấy và giấy vệ sinh phù hợp với QCVN 09: 2015/BCT; Chứng nhận sản phẩm dệt may phù hợp với QCVN 01:2017/BCT; Chứng nhận hóa chất theo nghị định 107/2016/NĐ-CP cho 05 Quy chuẩn: NaOH, PAC, Amoniac công nghiệp, hàm lượng thủy ngân trong đèn huỳnh quang, hàm lượng chì trong sơn.

Dịch vụ hiệu chuẩn và chế tạo, sản xuất thiết bị thí nghiệm:Phòng thí nghiệm hiệu chuẩn được công nhận ISO/IEC 17025; 2017 mã số VILAS 169 hoạt động trong lĩnh vực Hiệu chuẩn, kiểm định, sữa chữa thiết bị đo lường tại các nhà máy và các doanh nghiệp dệt may.  Công ty đã thực hiện hợp đồng hiệu chuẩn thiết bị thí nghiệm cho các doanh nghiệp và phòng Lab,  gia công chế tạo và cung cấp thiết bị thí nghiệm như máy thử bền màu ma sát, máy thử độ săn sợi, máy thử độ vón gút, thiết bị thử độ chống thấm nước, thiết bị thử độ phục hồi vải, thiết bị thử chất lượng hình in…cho VTRI sử dụng và các Công ty dệt may trong nước như Công ty TNHH Scavi Quảng Điền, Công ty TNHH Scavi  Việt Nam, Công ty TNHH MTV  Dệt may 7, Công ty TNHH MTV C&T Vina, Công ty TNHH Crystal Elegance Textile Viet Nam, Công ty TNHH Dệt kim Minh Anh, Công ty TNHHDA LUEN Việt Nam…

Hình 3: Gia công máy thử độ bền màu ma sátHình 4: Gia công máy thử độ săn sợi

Dịch vụ Tư vấn – Đào tạo: Tổ chức đào tạo nhân lực dệt may qua nhiều khoá ngắn hạn chuyên ngành như đào tạo cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, quản lý chất lượng sản phẩm, quản lý đơn hàng ngành dệt may trong thực tiễn… Trong những năm gần đây thực hiện hơn 30 khóa đào tạo, cấp gần 300 chứng nhận hoàn thành khoá học cho các học viên có thể đáp ứng nhu cầu công việc cá nhân, doanh nghiệp. Các đối tác thực hiện đào tạo như Tổng Công ty 28, CTCP Kết nối Thời trang, Công ty Textyle Asia, Công ty TNHH Thiện Tâm, Công Ty Dunlopillo, Công ty Khử Trùng và Giám định FCC, công ty Srti, Tổng Công ty May Đức Giang, Công ty X20 Nam Định, Công ty TNG và một số khóa đào tạo tư vấn doanh nghiệp về môi trường, yêu cầu kỹ thuật sản phẩm, xây dựng tiêu chuẩn cơ sở cho sản phẩm, quản lý các phòng thí nghiệm dệt may nội bộ…theo Chương trình Công nghiệp hỗ trợ – Bộ Công Thương…

VTRI có mối quan hệ hợp tác với các trường đại học để hướng dẫn, tạo điều kiện cho sinh viên được thực tập tại đơn vị theo chuyên ngành như trường: Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Bách khoa TP HCM, Đại học Công Thương TP HCM, Cao đẳng Công nghệ TP HCM, Khoa Lao động và Công đoàn của Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội…, ngoài ra hướng dẫn, hỗ trợ chia sẻ nhiều lượt sinh viên các trường về vấn đề thực hành và nghiên cứu.

Hoạt động nghiên cứu khoa học tập trung vào các lĩnh vực trọng yếu

       Ngành Dệt may thế giới tăng cường đang trong quá trình chuyển đổi theo hướng bền vững và tuần hoàn, cùng với việc ứng dụng các vật liệu tiên tiến, các công nghệ kỹ thuật cao trong phát triển sản phẩm, các công nghệ 4.0 và các công nghệ số và tự động hóa .. đòi hỏi ngành Dệt may Việt Nam cần xây dựng các chương trình phát triển khoa học công nghệ ngành phù hợp.

       Trong bối cảnh đó, VTRI đã đánh giá lại nguồn lực, định hướng là tập trung vào các lĩnh vực có thế mạnh là ứng dụng các nguyên liệu mới, các nguyên liệu thân thiện với môi trường; Ứng dụng các công nghệ theo xu hướng “xanh” và phát triển các loại vải có chức năng khác biệt; Các chương trình ứng dụng tin học, công nghệ số vào ngành dệt may; Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thiết bị thử nghiệm theo yêu cầu của các khách hàng.

       Một số công trình nghiên cứu khoa học trong thời gian gần đây có thể kể đến là thực hiện các nhiệm vụ trong xây dựng Chiến lược phát triển ngành Dệt may đến năm 2030, định hướng đến năm 2035; Xây dựng hệ thống các quy trình kiểm soát chất lượng trong ngành Dệt may; Đề xuất hướng ứng dụng các thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0; Nghiên cứu và đề xuất các giải pháp triển khai có hiệu quả QCVN:01/2017/BCT phù hợp với thực tế Việt Nam và xu thế hội nhập Quốc tế; Định hướng phát triển sản xuất vải không dệt Spunmelt cho hàng dệt kỹ thuật và các trang thiết bị bảo hộ cá nhân; Xu thế công nghệ, sản phẩm, các quy định về kiểm soát chất lượng, an toàn các sản phẩm dệt may, da giầy trên thế giới và định hướng, giải pháp thực hiện tại Việt Nam.

       Các nhiệm vụ về ứng dụng nguyên liệu, công nghệ và phát triển mặt hàng mới tiêu biểu là: Công nghệ sản xuất tất cho người bị bệnh suy tĩnh mạch; Công nghệ sản xuất vải dệt thoi có độ đàn hồi ngang cao; Công nghệ sản xuất vải chức năng trong môi trường lao động đặc biệt; Công nghệ sản xuất vải kháng khuẩn, tất cho bệnh nhân đái tháo đường từ sợi có chứa chitosan và các loại sợi chức năng khác; Triển khai sản xuất vải có độ cách nhiệt cao, vải dệt kim có hiệu ứng màu Melange, vải dệt kim từ sợi Acrylic siêu mịn, sợi len pha Polyeste, sợi Polyeste kháng tia UV, vải từ xơ Modal và xơ bông; Ứng dụng các công nghệ xử lý chống nhàu; kiểm soát ẩm, chống UV, kháng khuẩn, chế phẩm Chitosan chiếu xạ, ứng dụng các sản phẩm Nano…

Hình 5: Bảo hộ làm việc trong môi trường lạnhHình 6: Bảo hộ làm việc trong môi trường đặc biệtHình 7: Gia công Thiết bị thử chất lượng hình in
Hình 8: Tất mùa hè và tất thể thao có chức năng kháng khuẩn

Các nhiệm vụ KHCN thực hiện trong giai đoạn vừa qua được đánh giá có hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu thị trường, tạo nguồn thu cho Công ty. VTRI đã hợp tác kết nối với nhiều doanh nghiệp Dệt may để ứng dụng kết quả nghiên cứu vào phát triển sản phẩm chủ lực của doanh nghiệp và được thương mại hóa thành công. Đến nay, phần lớn kết quả nghiên cứu của Công ty đã được triển khai ứng dụng tại các doanh nghiệp có uy tín tại Việt Nam như CTCP thương mại và dịch vụ Hoàng Dương, CTCP đầu tư K&G Việt Nam, Công ty TNHH HUFA, Công ty CP Dệt may đầu tư Thương mại Minh Thắng, Công ty TNHH dệt May Nam Đô, Công ty cổ phần X20, Công ty CP Dệt lụa Nam Định, Tổng Công ty may Đức Giang…

       Trong bối cảnh ngành dệt may thế giới và Việt Nam đang có nhiều thay đổi, với nhiều cơ hội và thách thức đan xen, bằng việc hiểu rõ các điểm mạnh và hạn chế của tổ chức, với truyền thống đoàn kết sẵn có, với tinh thần luôn đổi mới, sáng tạo và kiên định với mục tiêu đã đề ra, VTRI phấn đấu đạt được mục tiêu: trở thành tổ chức hàng đầu trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ kỹ thuật ngành Dệt may, là trung tâm thử nghiệm, giám định và chứng nhận sản phẩm Dệt may được sự thừa nhận quốc tế, là công cụ của các cơ quan quản lý nhà nước trong tham vấn công nghệ, chính sách quản lý và phát triển ngành Dệt may Việt Nam.

Ban Điều hành CTCP-Viện Nghiên cứu Dệt May

Hà Nội (Trụ sở chính)

024 3862 4025

HCM (Chi nhánh)

028 3920 1396

Về chúng tôi


Trung tâm thí nghiệm với tiêu chuẩn ILAC và VILAS 089

Thiết bị thử nghiệm sản xuất hiện đại

Khoảng 80 cán bộ đại học và trên đại học

Có trách nhiệm với khách hàng