CTCP VIỆN NGHIÊN CỨU DỆT MAY
VIETNAM TEXTILE RESEARCH INSTITUTE JSC

Trang chủ » Nghiên cứu và đề xuất định hướng phát triển sản xuất vải không dệt Spunmelt (SB+MB+SMS) ứng dụng trong lĩnh vực y tế và sản phẩm bảo hộ khác

Nghiên cứu và đề xuất định hướng phát triển sản xuất vải không dệt Spunmelt (SB+MB+SMS) ứng dụng trong lĩnh vực y tế và sản phẩm bảo hộ khác

Trong thập kỷ vừa qua, một phần xơ sợi dệt được sử dụng cho vải không dệt đã vượt hơn mức sử dụng xơ sợi cho các sản phẩm dệt thoi, dệt kim và các sản phẩm dệt khác. Sự tăng trưởng của sản phẩm không dệt là do những tiến bộ công nghệ ngày càng phát triển, sự phát triển của các sản phẩm mới và nhận thức của người tiêu dùng ngày càng được nâng cao trong việc áp dụng các sản phẩm không dệt. Tiêu thụ trên toàn cầu vải không dệt năm 2021 là 15,1842 triệu tấn, trị giá 49,575 tỉ USD. Các ngành công nghiệp y tế và vệ sinh ngày càng phát triển cũng đang hỗ trợ cho sự tăng trưởng thị trường vải không dệt, đặc biệt là khu vực châu Á – Thái Bình Dương và Mỹ latinh. Khu vực châu Á – Thái Bình Dương dự kiến sẽ đóng một vai trò lớn cho thị trường sản phẩm không dệt do các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ đi cùng với nhận thức ngày càng tăng của khách hàng về lợi ích của các sản phẩm không dệt.

Tại Việt Nam, yêu cầu về sản phẩm vải không dệt phục vụ ngành y tế ngày một tăng cao, đặc biệt bùng nổ trong đợt dịch Covid-19. Các trang bị bảo hộ y tế sử dụng các loại vải không dệt, nhất là các loại vải Spunbond, Melt blown, Spunmelt, nhưng lượng vải sản xuất tại Việt Nam còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường, nhất là các loại vải Melt blown hoặc Spunmelt. Nhu cầu về việc đầu tư công nghệ sản xuất và thiết bị cho một nhà máy sản xuất mặt hàng vải không dệt Spunmelt đã trở nên cấp thiết trong sản xuất dệt may tại Việt Nam

Vải không dệt Spunmelt (Spunbond + Meltblown + Spunbond Nonwovens) là một loại vải không dệt ba lớp, đựợc tạo thành từ một lớp SB ở trên cùng một lớp MB ở giữa và một lớp SB dưới cùng.

Màng Spunbond – SB có nhiều đặc tính tuyệt vời, nổi bật là độ bền đứt và độ bền sử dụng, ngăn các hạt vi khuẩn có kích thước lớn. Hiện tại vải không dệt Spunbond chiếm tỉ trọng lớn trong số các loại vải không dệt và được ứng dụng trong các lĩnh vực khác nhau như tã bỉm dùng một lần, sản phẩm dệt may chăm sóc sức khỏe, công nghiệp ô tô, kỹ thuật dân dụng, y tế và bao bì. Loại vải này được dự báo trong những năm gần đây là một trong những sản phẩm phát triển nhanh nhất trong ngành công nghiệp sản phẩm không dệt và sẽ trở thành một trong những ngành công nghệ không dệt chính. Mức tiêu thụ vải không dệt Spunbond cho các sản phẩm bền và dùng một lần dự kiến liên tục tăng và phát triển.

Màng Melt blown – MB có độ bền tương đối yếu nhưng do các sợi nhỏ hơn và diện tích bề mặt lớn hơn nên có tính thấm hút, hiệu quả lọc tốt và ngăn các hạt vi khuẩn hoặc virus có kích thước nhỏ dưới 1 µm.

Ngày 28 tháng 6 năm 2022, tại văn phòng Bộ Công Thương, CTCP- Viện Nghiên cứu Dệt May đã tiến hành nghiệm thu đề tài Nghiên cứu và đề xuất định hướng phát triển sản xuất vải không dệt Spunmelt (SB + MB + SMS) ứng dụng trong lĩnh vực y tế và sản phẩm bảo hộ khácđược thực hiện trong vòng 15 tháng (từ tháng 04 năm 2021 đến tháng 06 năm 2022). Kết quả của đề tài gồm 04 nội dung chính như sau:

Thứ nhất. Nghiên cứu tổng quan hiện trạng về công nghệ sản xuất, sản phẩm và ứng dụng các sản phẩm vải không dệt: Các ngành công nghiệp y tế và vệ sinh ngày càng phát triển đang hỗ trợ cho sự tăng trưởng thị trường sản phẩm không dệt, đặc biệt là ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Mỹ Latinh. Công nghệ Spunmelt tiếp tục thu hút đầu tư mới khi thị trường sản phẩm vải không dệt Spunmelt tiếp tục phát triển và các ứng dụng mới được phát triển trong bối cảnh cạnh tranh liên tục thay đổi. Về công nghệ sản xuất vải không dệt được sản xuất trực tiếp từ xơ và nhựa không qua các bước chuẩn bị sợi. Quá trình sản xuất ngắn và đơn giản. Qúa trình sản xuất vải không dệt nói chung bao gồm các bước công đoạn chính: tạo màng xơ, liên kết màng xơ và xử lý hoàn tất.

Thứ hai. Nghiên cứu đánh giá các yêu cầu kỹ thuật, yêu cầu quản lý sản phẩm bảo hộ dùng trong lĩnh vực y tế và bảo hộ khác: quần áo phòng hộ, khẩu trang, mũ: Các nước Mỹ, EU và Trung Quốc đã đưa ra quy định rất chi tiết về việc phân loại, phạm vi ứng dụng, các yêu cầu kĩ thuật và phương pháp thử nghiệm các chỉ tiêu kỹ thuật của các loại khẩu trang và phương pháp bảo hộ. Việt Nam đã có một số tiêu chuẩn quy định về yêu cầu kỹ thuật của một số trang bị bảo hộ cá nhân như khẩu trang các loại, quần áo bảo hộ tuy nhiên yêu cầu kĩ thuật ở các loại trang bị bảo vệ cá nhân (ví dụ như khẩu trang) thường thấp hơn so với các yêu cầu kỹ thuật đã được đưa ra tại các tiêu chuẩn đã được thừa nhận quốc tế tại Mỹ, EU và Trung Quốc.    

Thứ ba. Nghiên cứu, đánh giá các loại nguyên liệu, công nghệ thiết bị sản xuất và năng lực của các nhà cung cấp công nghệ, nhà sản xuất vải không dệt spunmelt (SB, MB và composite SB+MB): Nhìn chung các polymer với khoảng phân bố khối lượng phân tử rộng và trọng lượng phân tử cao như polypropylene, polyester và polyamide có thể được dùng trong tạo màng Spunmelt đồng nhất. Polypropylene là nguyên liệu chính của màng không dệt để sản xuất vải không dệt. Polyester được sử dụng trong một số sản phẩm Spunbond thương mại và cung cấp một số lợi thế nhất định so với Polypropylen mặc dù nó đắt hơn. Polyurethane có tính đàn hồi và cũng được sử dụng sản xuất vải không dệt spunbonded cho các ứng dụng sử dụng 1 lần,.. tuy nhiên giá thành cao.

Thứ tư. Đề xuất định hướng phát triển sản xuất vải không dệt Spunmelt ứng dụng trong lĩnh vực y tế, bảo hộ tại Việt Nam: Các khuyến nghị được đề xuất nhằm thúc đẩy việc đầu tư và sản xuất các sản phẩm không dệt spunmelt ứng dụng trong lĩnh vực y tế và bảo hộ như: Khảo sát, điều tra tiềm năng năng lực, công nghệ cơ sở sản xuất vải Spunmelt hiện có để có các giải pháp phù hợp hỗ trợ đầu tư, kỹ thuật, thị trường; Xây dựng dự án khả thi sản xuất vải không dệt Spunmelt; Tăng cường các cơ quan kiểm tra và quy định pháp lý; Hỗ trợ phát triển kinh doanh lĩnh vực PPE.

Các kết quả của đề tài là cơ sở khoa học và thực tiễn giúp các cơ quan quản lý nhà nước, nhất là các doanh nghiệp trong quyết định đầu tư sản xuất vải không dệt Spunmelt tại Việt Nam. Việc đề xuất định hướng phát triển sản xuất vải không dệt Spunmelt ứng dụng trong lĩnh vực y tế, bảo hộ tại Việt Nam là cơ sở để giúp các doanh nghiệp tham gia vào sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng, sản xuất nguyên liệu, sản phẩm ngành y tế từ vải không dệt tại Việt Nam.

Hà Nội (Trụ sở chính)

024 3862 4025

HCM (Chi nhánh)

028 3920 1396

Về chúng tôi


Trung tâm thí nghiệm với tiêu chuẩn ILAC và VILAS 089

Thiết bị thử nghiệm sản xuất hiện đại

Khoảng 80 cán bộ đại học và trên đại học

Có trách nhiệm với khách hàng