Nghiên cứu, tổng hợp xu thế công nghệ, sản phẩm; các quy định về kiểm soát chất lượng, an toàn các sản phẩm dệt may, da giầy trên thế giới và định hướng, giải pháp thực hiện tại Việt Nam.
Tháng 6 năm 2022, CTCP- Viện Nghiên cứu Dệt May (Công ty) đã nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu, tổng hợp xu thế công nghệ, sản phẩm; các quy định về kiểm soát chất lượng, an toàn các sản phẩm dệt may, da giầy trên thế giới và định hướng, giải pháp thực hiện tại Việt Nam” do KS Nguyễn Văn Huỳnh làm chủ nhiệm được thực hiện trong vòng 15 tháng (từ tháng 04 năm 2021 đến tháng 06 năm 2022). Đề tài đã tổng hợp được thông tin liên quan xu hướng công nghệ, sản phẩm, nguyên liệu; nghiên cứu, cập nhật các quy định về kiểm soát chất lượng, an toàn các sản phẩm trong chuỗi sản xuất sản phẩm dệt may, da giầy trên thế giới mang tính chuẩn mực, xây dựng được định hướng, giải pháp quản lý chất lượng, an toàn các sản phẩm dệt may, da giầy tại Việt Nam.
Đề tài gồm 5 kết quả lớn là những thông tin tham khảo bổ ích về xu hướng công nghệ, sản phẩm, về các quy chuẩn, tiêu chuẩn pháp lý và yêu cầu của người mua tại các thị trường xuất khẩu lớn về dệt may, da giầy của của Việt Nam, giúp các doanh nghiệp nhận thức đúng về sự cần thiết phải tuân thủ các yêu cầu của thị trường xuất khẩu và cải tiến cách thức hoạt động của doanh nghiệp, đồng thời cung cấp thông tin cho doanh nghiệp để xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng, an toàn sản phẩm nâng cao uy tín và chất lượng thương hiệu của các cơ sở sản xuất dệt may, da giầy tại Việt Nam.
Thứ nhất. Xu hướng phát triển của ngành dệt may-da giầy trên thế giới: Dưới tác động của đại dịch Covid-19 cũng như sự ảnh hưởng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, ngành dệt may đang có sự thay đổi để thích nghi với nhu cầu xã hội như: Chuyển dịch và đa dạng hóa chuỗi cung ứng; Cách mạng công nghệ 4.0 và chuyển đổi số; Sản xuất bền vững và thân thiện với môi trường; Ưu tiên cá nhân hóa sản phẩm; Phát triển sản phẩm có tính năng đặc biệt. Một số tiến bộ trong ngành công nghiệp da giầy như: Giầy thông minh; Công nghệ thực tế ảo và tăng cường; Công nghệ giầy dệt kim; Tạo vật liệu kỹ thuật số với nhà thiết kế; Thiết kế lại chuỗi cung ứng thời trang được hỗ trợ bởi AI; Khai thác giá trị tối đa từ tài sản 3D về quần áo và giầy dép- thượng nguồn và hạ nguồn; In vải kỹ thuật số đang thay đổi động lực chuỗi cung ứng; Thiết kế và sản xuất giầy bền vững.
Thứ hai. Các quy định về an toàn sản phẩm, kiểm soát chất lượng các sản phẩm dệt may- da giầy tại các thị trường chính trên thế giới: Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan: Trong thương mại quốc tế, khi các rào cản thuế quan dần dần được dỡ bỏ thì các biện pháp kỹ thuật lại được thiết lập với mục tiêu là bảo vệ người tiêu dùng. Các thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan đã đưa ra các quy định cụ thể đối với hàng dệt may, da giầy khi nhập khẩu, trong đó EU là mộ trong những thị trường có các biện pháp kỹ thuật chặt chẽ nhất.
Thứ ba. Các quy định ghi nhãn đối với các sản phẩm dệt may, da giầy tại các thị trường chính trên thế giới: Đây là vấn đề được rất nhiều quốc gia quan tâm. Mỹ, Nhật Bản và EU là các quốc gia có quy định và tiêu chuẩn về ghi nhãn hàng dệt may được áp dụng rộng rãi nhất trên thế giới, trong đó Mỹ được đánh giá là quốc gia đã đưa ra được các luật chi tiết và đầy đủ nhất về ghi nhãn hàng dệt may. Nhật Bản được đánh giá là một trong các nước có qui định gây khó khăn cho việc ghi nhãn hàng dệt may. Việc đi sâu vào tìm hiểu rõ hơn nội dung luật ghi nhãn của Mỹ, EU và Nhật Bản sẽ giúp cho việc xây dựng qui định kỹ thuật về ghi nhãn sản phẩm dệt may của Việt Nam được hài hòa với các qui định hiện có trên thế giới, góp phần bảo hộ ngành sản xuất dệt may trong nước khỏi các cạnh tranh không cân bằng
Thứ tư. Các quy định về truy xuất nguồn gốc, quy tắc xuất xứ sản phẩm dệt may, da giầy trong các hiệp định CPTPP, EVFTA: Đây là hai hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới. Hiệp định CPTPP sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với hàng dệt may có xuất xứ từ Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường có đối tác (ngay hoặc có lộ trình). Đối với những nước mà Việt Nam chưa có FTA, việc mở cửa thị trường này rất quan trọng do thuế nhập khẩu áp dụng với hàng dệt may thường cao hơn nhiều so với các mặt hàng công nghiệp khác. Hiệp định EVFTA sẽ là cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như các mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh.
Thứ năm. Đề xuất các giải pháp phát triển sản phẩm dệt may, da giầy phù hợp với xu thế phát triển công nghệ và các quy định về kiểm soát chất lượng, an toàn sản phẩm của một số nước trên thế giới: Từ những yêu cầu của xã hội và những cơ hội của ngành dệt may Việt Nam. Nhóm nghiên cứu đã đề xuất các định hướng phát triển công nghệ dệt may, da giầy Việt Nam như: Ứng dụng khoa học công nghệ trong chuyển đổi số ngành dệt may, da giầy; Ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển vật liệu tiên tiến; Phát triển các công nghệ kỹ thuật cao trong phát triển các sản phẩm; Xu hướng phát triển ngành dệt may, Giầy dép bền vững và xây dựng các chương trình khoa học công nghệ ngành dệt may, da giầy giai đoạn 2022-2030.